Hà Nội cần đầu tư hạ tầng giao thông, tăng cường thêm phương tiện giao thông công cộng, đưa trường học ra ngoại đô, mở rộng đường, làm thêm cầu vượt, ông Liên cho hay.
Một số người dân đồng tình với phương án hạn chế phương tiện cá nhân, cấm xe máy trong nội thành Hà Nội từ năm 2025.
Thành phố Hà Nội xây dựng phương án từ năm 2025 trở đi, tại khu vực nội đô, xe máy cá nhân sẽ không còn lưu hành. Đây không phải là lần đầu tiên việc cấm xe máy trong các đô thị lớn được đặt ra.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì hạ tầng giao thông của Hà Nội trong 10 năm tới phải có sự phát triển vượt bậc. Giao thông công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Nhưng với tốc độ phát triển giao thông công cộng của Hà Nội như hiện nay, lộ trình này không dễ có thể thực hiện được.
Về phương án hạn chế phương tiện cá nhân, cấm xe máy trong nội thành Hà Nội từ năm 2025, một số người dân đồng tình với phương án cấm xe máy. Đây là hướng phát triển của đô thị hiện đại trong tương lai. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, 10 năm tới, người dân đi lại trong nội thành bằng phương tiện gì?
Anh Lê Ngọc Linh ở quận Đống Đa băn khoăn khi cấm phương tiện cá nhân thì người dân chưa biết đi bằng gì. Hiện nay lựa chọn duy nhất có thể nhìn thấy được là xe buýt thì lại đang quá tải.
Xe buýt đang là phương tiện công cộng duy nhất của Hà Nội với hơn 1 nghìn 200 xe và đã phát triển tới ngưỡng tối đa so hạ tầng giao thông hiện nay, mới đảm bảo được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Tuyến xe buýt nhanh (BRT) đang xây dựng thì vẫn chậm tiến độ. Trong 5 năm tới, chỉ có hai dự án đường sắt đô thị là Cát Linh - Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội được đưa vào hoạt động với tổng chiều dài là 25,5 km. Hạ tầng giao thông tại Hà Nội hiện chỉ chiếm 7-9% diện tích đô thị, trong khi trên thế giới là 20-25%.
Rõ ràng, diện tích đất giao thông rất ít, phương tiện giao thông công cộng đang thiếu. Nếu đặt ra vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân trong đó là cấm xe máy trong thành phố thì Hà Nội cần tới hàng trăm nghìn tỷ đồng để phát triển phương tiện giao thông công cộng.
Theo khảo sát của JICA (Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản), nếu một thành phố, cứ 700m lại có một ga tàu điện ngầm hoặc tàu trên cao, người dân sẽ chỉ đi phương tiện công cộng đi làm. Hà Nội, để đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, cần phải có ít nhất 6 tuyến tàu điện ngầm và nổi, với tổng chiều dài trên 100km.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng không dễ để phát triển các tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần phải thực sự tích cực trong triển khai các dự án.
"Thời gian ]qua, do chúng ta chậm huy động nguồn lực nên các tiến trình thực hiện quy hoạch đều bị trượt, bị chậm. Để đạt vận tải công công đạt 30-35% đây là thách thức lớn, nếu chúng ta không đưa khoảng 3 tuyến đường sắt nội đô vào khai thác mà có tính kết nối thì không thể đạt được. Đường sắt nội đô các nhà tài trợ đang kêu có tiền nhưng tiêu rất chậm mà gỡ lớn nhất là thủ tục," Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đây là thách thức không nhỏ của Hà Nội trong quá trình phát triển giao thông đô thị. Từ nay đến năm 2025, không thể chỉ cấm riêng xe máy mà ô tô cũng phải hạn chế hoạt động. Mật độ ô tô hiện nay quá dày đặc, đặc biệt là taxi, vì vậy, không thể cấm mà chỉ có thể điều tiết trong giờ cao điểm.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc đưa ra định hướng dừng lưu thông xe máy khó có thể thực hiện được trong 10 năm tới. Với tốc độ phát triển hạ tầng của Hà Nội như hiện nay, đến 2025, giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu được cầu của người dân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét